Người Việt ăn đường nhiều gấp đôi khuyến cáo

23/03/2023

Theo WHO, năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần.

WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống), bằng một nửa so với mức trung bình một người Việt ăn hiện nay. Người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của WHO tại Việt Nam, cho rằng mức tiêu thụ đường tăng là do nhiều người Việt thích dùng đồ uống có đường, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi.

Đồ uống có đường được định nghĩa là tất cả loại đồ uống chứa đường tự do (đường dùng trong công nghiệp), gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn, sữa có thêm đường.

Kết quả điều tra sức khỏe học sinh sinh viên năm 2019 của WHO tại Việt Nam cho thấy 34% học sinh 13-17 tuổi sử dụng nước ngọt có ga ít nhất một lần trong ngày. Điều tra tương tự vào năm 2013, cũng của WHO, tỷ lệ này là 30%.

Xem ngay:  Viêm gan C nên ăn gì và kiêng gì?

Theo ông Lâm, thừa đường liên quan chặt chẽ đến tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa như đường huyết cao, mỡ máu và huyết áp, gây biến chứng về tim mạch, đột quỵ.

Cùng quan điểm, TS.BS Huỳnh Nam Phương, Phó giám đốc đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ: “Uống 354-704 ml đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn bình thường 26%, nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa cao hơn 20%”.

Bà Phương dẫn một nghiên cứu tại Hy Lạp ở trẻ 7-15 tuổi, cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ đồ uống có đường thì nguy cơ béo phì cao hơn 2,57 lần so với không uống.

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020, được Bộ Y tế công bố năm 2021, cho thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Năm 2010, tỷ lệ này là từ 8,5%, năm 2020 lên 19% và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Giải thích về cơ chế gây béo phì, bác sĩ Phương cho biết đồ uống có đường ở dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng. Khi ấy, cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.

Xem ngay:  Sữa tươi trân châu đường đen chứa bao nhiêu calo?

Đa số loại đồ uống này dùng đường fructose (đường từ hoa quả, mật ong), hoặc chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học). Vị ngọt kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no, nhiều carbohydrate. “Uống nhiều đồ uống có đường thì tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì”, bác sĩ Phương giải thích.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm; kiểm soát quảng cáo, nhất là với trẻ em; can thiệp dinh dưỡng trong trường học; đánh thuế đối với đồ uống có đường.

Ông Lâm cũng đề nghị cộng đồng nâng cao nhận thức trong lựa chọn đồ uống lành mạnh.

Bộ Tài chính cùng các Bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo về thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo trong giai đoạn trưng cầu ý kiến.

Lê Nga

Công thức dinh dưỡng chuyên biệt cho trẻ nhẹ cân thấp còi
Nên ăn bao nhiêu đường một ngày?