Ngày 9/1, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết trong Đông y, hoa cúc được đánh giá cao về các đặc tính y học. Nhiều cuốn sách về thảo mộc mô tả hoa cúc có thể giúp trẻ hóa và kéo dài tuổi thọ.
Hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Hoa cúc vàng vị đắng cay, tính ôn, được dùng làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt.
Hoa cúc chứa nhiều thành phần hoạt tính có lợi như tinh dầu, tannin, chất nhầy, flavonoid, chất đắng, axit hữu cơ, chất nhựa và inulin… Những thành phần này được tìm thấy ở tất cả bộ phận của cây và tốt cho sức khỏe.
Uống trà hoa cúc trong thời gian dài có thể ích khí (năng lượng), lưu thông máu và làm chậm quá trình lão hóa. Bởi vậy từ xa xưa, trà hoa cúc trở thành loại trà yêu thích của nhiều đạo sĩ. Nó còn được sử dụng trong y học để điều trị nhiều loại bệnh, như bệnh về mắt, chóng mặt, thấp khớp, tắc nghẽn mạch máu do tuần hoàn máu kém.
Bên cạnh đó, trà hoa cúc làm dịu thần kinh, điều chỉnh huyết áp, giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, thải độc, khử hỏa gan. Do đó đây là thức uống thích hợp trong những ngày Tết khi dùng chung với thức ăn, đặc biệt món chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Trà hoa cúc thường được pha chung với mật ong, cam thảo, artiso… Cách chế biến đơn giản là cho hai muỗng hoa cúc khô vào một tách nước nóng, ngâm khoảng 10 phút. Nên uống ba tách nhỏ mỗi ngày.
Một số công dụng khác của hoa cúc đối với sức khoẻ như làm thuốc trị đau đầu, viêm mũi, trị các bệnh hô hấp, tiêu hóa. Vua Henry VIII của nước Anh đã ăn rất nhiều hoa cúc để trị bệnh loét dạ dày. Loại hoa này còn có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giảm cơn thèm ăn và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như chứng viêm dạ dày, tiêu chảy, rối loạn chức năng gan, túi mật, táo bón nhẹ.
Hoa cúc có thể điều trị các triệu chứng khi hành kinh, đặc biệt là tình trạng chảy máu nhiều, chữa viêm bàng quang và các chứng viêm đường niệu.
Người ta còn dùng hoa cúc như một liều thuốc tự nhiên để trị viêm da do dị ứng, gout, thấp khớp mạn tính. Nó có thể làm lành vết thương nhỏ, giảm các cơn đau nhức, vết sưng tấy hay bầm tím.
Ngoài trà hoa, lá cúc tươi cũng có thể ăn để kích thích sự hấp thụ chất dinh dưỡng nhờ vào vị đắng của nó. Lá, hoa, nụ và cánh hoa đều có vị khá ngon, ăn kèm với nhiều món khác. Lá dùng làm món xà lách trộn và ăn kèm lá bồ công anh, lá cây me đất.
Ở nhiều nơi, cụm hoa được dùng làm giấm hoặc chế biến nước sốt. Nhiều đầu bếp còn dùng hoa cúc để trang trí các món ăn như bánh mì hoa cúc…
Rượu chiết xuất từ bông cúc có tác dụng trị mụn trứng cá, làm sạch miệng hay làm nước súc miệng thảo dược trị chứng đau họng và viêm miệng. Nhai lá hoa cúc tươi để giảm loét miệng.
Một số bài thuốc Đông y có hoa cúc:
Tang cúc ẩm chữa ho và sốt, cảm mạo: Tang diệp, cúc hoa, mỗi vị 6 g, liên kiều, bạc hà, cam thảo, cát cánh, mỗi vị 4 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Cúc hoa trà điều tán chữa chóng mặt, hoa mắt, mắt đỏ, mũi tắc: Cúc hoa, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, cương tàm. Các vị bằng nhau, trộn đều, tán nhỏ, mỗi lần 4-6 g.
Lương y Sáng khuyến nghị hoa cúc là loại thảo mộc an toàn cho sức khỏe, song những người mắc bệnh dị ứng hoa họ cúc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Thuý Quỳnh